Home » » Tết cổ truyền của người Dao Tuyển

Tết cổ truyền của người Dao Tuyển

Written By Unknown on Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009 | 08:09

Sau tết Nguyên đán cổ truyền, mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, người Dao định kỳ tổ chức nghi lễ cúng thần thổ địa để hóa giải những tất cả những điềm xấu của năm cũ, ngăn chặn vận đen đến với làng và cầu mong một năm mới may mắn, thịnh vượng.

Tết này được người Dao quan tâm đặc biệt vì không những chứa đựng nhiều giá trị tâm linh mà còn có tầm quan trọng trong sự cố kết cộng đồng. Bên cạnh phần lễ, tết tháng 2 còn là dịp sinh hoạt giao lưu văn nghệ dân gian giữa các thôn bản, mang đậm bản sắc tộc người.

Tết tháng hai cổ truyền của người Dao Tuyển - huyện Bảo Thắng

Người Dao gọi tết tháng hai là “nhây nhật tù nhai, ghi mang ai xoong” có nghĩa là tết mùng 2, hết năm làm cúng cho làng, mời thần về ăn uống, trị ma cho làng, cầu mùa màng sản xuất bội thu. Tết tháng 2 là tết chung cộng đồng thôn bản nên tất cả mọi người nhiệt tình tham gia.

Trước tiên là phần nghi lễ được một hội đồng gồm ba người do nhân dân tín nhiệm cử ra chịu trách nhiệm chính tiến hành các bước của nghi lễ truyền thống. Người thứ nhất gọi là “xà châu” tức là ông chủ, đại diện cho tất cả các hộ gia đình trong thôn đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm về các lễ vật dâng cúng, cũng như việc đóng góp thu chi của các hộ sao cho công bằng, công khai.

Người thứ hai là “yàng cô” tức là già làng, người am hiểu phong tục tập quán, được cộng đồng trọng vọng, có tiếng nói quan trọng trong đời sống người dân. Còn lại là thầy cúng “xà thay”, người cử hành những nghi lễ, có phép thuật, quyền binh đón vận tốt, giải điềm xấu cho làng.

Trước ngày tổ chức lễ cúng làng, các hộ trong thôn đã họp bầu ra hội đồng này bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm bằng những hạt ngô, ai có số hạt ngô cao hơn thì được làm. Tiêu chuẩn để lựa chọn là những người có kinh nghiệm trong sản xuất, làm ăn, gia đình hòa thuận, am hiểu phong tục, lý lẽ dân tộc.

Lễ cúng bản được tổ chức tại miếu làng (gọi là thần thổ địa), là nơi linh thiêng nhất trong thôn bản - vị thần bản mệnh của làng. Miếu làng nằm ở nơi cao nhất trong thôn bản để bao quát tất cả các hộ gia đình, thâu tóm mọi sự việc diễn ra.

Buổi sáng mùng 2, mỗi hộ gia đình cử một người nam giới đại diện đi dự, khi đi mang theo một con gà, một chai rượu, một bó hương và ít giấy tiền. Mọi người tụ họp tại miếu làng, ông “xà châu” phân công nhiệm vụ một số người nấu nướng, chuẩn bị lễ vật, những người còn lại làm các vũ khí trừ tà như: cổng chắn, dây xích, lựu đạn...

Mâm lễ dâng cúng gồm có: thịt gà luộc, thịt lợn, bát gạo, 3 chén rượu, vàng hương, số lượng gà ít nhất cũng phải đủ 6 - 7 con. Thầy cúng thắp hương và thỉnh cầu đến tên các vị thần sau:

- Thần “thu đi” - thần thổ địa, là những người già, trẻ ở trong thôn đã mất.

- Thần “Dằn lòng man” - vị thần cai quản việc sản xuất, cày bừa, cầu cúng để cày cấy được mùa, cây lúa tốt tươi, không sâu bệnh. Đây chính là vị thần liên quan đến hồn vía của cây lúa, gắn liền với sự tích con chuột đi tìm hạt giống đầu tiên về cho con người vốn phổ biến trong cộng đồng người Dao. Vì thế nội dung của bài cúng có nhắc lại sự tích này.

- Thần “Nhi gùng, lùy gùng” là Ngọc hoàng thượng đế, cai quản tất cả các vị thần, mọi việc trong nhân gian, ốm đau sinh tử.

- Thần “dang hu” phục vụ cho tất cả mọi nhà, coi sóc công việc của hộ gia đình... mời tất cả các thần về dự lễ, ăn thịt và mong các thần phù hộ cho dân làng yên ấm, làm ăn phát đạt, không ốm đau, hỏa hoạn, người làng đi đâu đều được phù hộ hóa nguy thành an...

Sau lễ cúng, tiến hành nghi thức đuổi ma, trị ma, ngăn điềm xấu đến với mọi gia đình trong thôn. Thầy cúng dẫn đầu đoàn đi đuổi ma, gồm hai thanh niên đeo mặt nạ, hai người khiêng “bờ loong”. Những người này yêu cầu đã qua lễ cấp sắc, đã được chứng nhận là người trưởng thành và cũng có quyền binh phép thuật mới có thể đuổi được ma. Nếu ai mới lấy vợ một hai năm cũng không được phép tham gia, có như vậy mới đảm bảo sự trong sạch.

Thầy cúng cầm dao, hai người kia cầm súng, lựu đạn, cầm dây xích. Nghi lễ rước thần đến các hộ gia đình bằng hình thức làm “bờ loong” là một người cắt bằng giấy bản, tượng trưng cho tất cả các thần vừa nhắc đến khi cúng, đưa các thần đến phù hộ cho từng gia đình trong thôn.

Đoàn người đi từ đầu làng đến cuối làng, đến nhà nào thì nhà đó phải đốt giấy tiền đem tro bỏ vào bên cạnh “bờ loong”, có như vậy thì điềm xấu mới được gỡ bỏ và thần quanh năm phù hộ cho gia đình. Hai người đi khiêng thần chỉ đứng ở ngoài không vào nhà. Trong quan niệm của người Dao đó là hình thức tẩy uế, quét đi mọi bụi trần của năm cũ, đón năm mới mát mẻ, trong sạch và an lành đến với gia đình. Với họ, nếu như đầu năm làm được nghi thức quét nhà này thì quanh năm no ấm, bình an.

Sau khi hai thanh niên đem xích và súng vào đuổi ma, đuổi mọi điềm xấu ra khỏi nhà thì thầy cúng viết vẽ hình lên giấy và viết chữ chắn ở cửa của gia đình. Dán tờ giấy chắn cửa “chăn pieo” xong thì chuyển đến gia đình khác, cứ lần lượt như thế đến khi hết tất cả các hộ gia đình trong thôn.

Địa điểm đầu làng và cuối làng mọi người phải dựng cổng chắc được bện bằng cây gianh, trên đó treo một cây súng, hai con dao nhọn, giấy chắn cửa vào làng. Tất cả những vật kỵ ma này tạo thành lớp lá chắn ngăn tất cả các loại ma, những dịch bệnh, những hỏa hoạn, những điềm xấu có thể đến, đón những điều may mắn thuận lợi vào làng.

Nghi lễ kết thúc. Mọi người cùng nhau ăn uống, kiểm điểm những công việc đã diễn ra trong năm cũ, nêu tên cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm hương ước của làng bị khiển trách và nộp phạt theo mức quy định chung. Tết mùng 2 tháng 2 cúng trong phạm vi cộng đồng làng, hộ gia đình không tổ chức, tương đồng với lễ hội quét làng của người Nùng Dín nhưng chỉ khác nhau về hình thức các nghi lễ.

Phần hội diễn ra ngay sau khi phần lễ kết thúc, thanh niên nam nữ đã có hẹn ước từ năm trước xin phép thần thổ địa đi sang làng bên để hát đối chơi xuân, hát giao duyên, đó là hội hát qua làng nổi tiếng của người Dao.

Ngày tết tháng 2 cũng là ngày họp phiên chợ Cốc Lếu xưa, tại đây tưng bừng các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian: ném còn, đánh đu, đi cà kheo... Tất cả người Dao, người Giáy ở quanh vùng nô nức kéo nhau về dự. Trai gái tìm hiểu, gửi gắm tình yêu bằng lời ca, để khi chợ tan tình cảm mặn nồng nên duyên quả ngọt.

Tết mùng 2 tháng 2 không chỉ mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng mà còn là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người Dao. Tết tháng 2 phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp cổ truyền của người Dao thờ thần bản mệnh chủ hồn lúa, cầu sản xuất chăn nuôi phát triển, người vật hưng thịnh. Mặt khác, tết tháng 2 cũng là dịp nuôi dưỡng những giá trị tinh thần, đặc biệt là việc gìn giữ kho tàng dân ca phong phú của người Dao, khẳng định tính bền vững của văn hóa tộc người trong quá trình phát triển.

Theo Sở VH-TT Lào Cai

Share this article :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

IN ẤN GIÁ RẺ

Người đóng góp cho blog